VUA TỰ ĐỨC VÀ VỤ ÁN HỒNG BẢO

VUA TỰ ĐỨC VÀ VỤ ÁN HỒNG BẢO

Trần Đức Anh Sơn


Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trưởng của vua Thiệu Trị với bà Quí tần Đinh Thị Hạnh. Ông sinh ngày 12 tháng Ba năm Ất dậu (29.4.1825). Thế phả họ Nguyễn Phúc (Phước) cho hay Hồng Bảo “là người khỏe mạnh, có học nhưng tính tình phóng túng, ít chịu gò bó vào khuôn phép nên thường bị vua cha quở trách. Năm Canh tí (1840) ông được phong là An Phong Đình hầu, rồi năm Quí mão (1843) được phong An Phong công”.[1]

1. Hồng Bảo bị phế và những biến động sau khi vua Tự Đức lên ngôi

Ở Huế lưu truyền một giai thoại kể về tính cách ngang tàng của Hồng Bảo như sau: Nhân một dịp lễ trọng, vua Thiệu Trị cùng dự yến tiệc với các vị hoàng tử và đình thần cao cấp. Đang giữa cuộc vui thì nhà vua nhận được tin báo có sứ bộ Trung Hoa vừa đến kinh đô Huế. Nhân chuyện ấy, vua Thiệu Trị liền ra vế đối “Bắc sứ lai triều” (Sứ phương Bắc đến triều đình) và bảo những hoàng tử đang dự tiệc hôm ấy nếu ai đối hay thì vua sẽ nhường cho ngai vàng. Hồng Bảo tức thì ứng đối: “Tây Sơn phục quốc” (Nhà Tây Sơn giành lại nước). Đây là một vế đối rất chỉnh nhưng… “cực kỳ mất lập trường”, bởi ai cũng biết nhà Nguyễn coi nhà Tây Sơn là kẻ thù không đội trời chung. Vậy nên, khi nghe vế đối của Hồng Bảo, vua Thiệu Trị đã quát lớn: “Đồ ngu, Tây Sơn phục quốc thì còn đâu nước cho mày làm vua”.
Tuy nhiên, khi Hồng Bảo có con trai đầu lòng là Ưng Đạo thì vua Thiệu Trị rất vui mừng. Ông tự thân bồng cháu đích tôn qua trình với Thuận Thiên thái hoàng thái hậu, vợ vua Gia Long và là bà nội của vua Thiệu Trị. Vì thế, Hồng Bảo dường như tin chắc mình sẽ là người được kế thừa ngai báu. Thế nhưng, trước khi thăng hà, vua Thiệu Trị đã “đột ngột” phế truất Hồng Bảo và chọn Hồng Nhậm làm người kế vị ngai vàng.
Sách Quốc triều chánh biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Ngài se, đòi Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu. Ngài truyền đuổi mấy người tả hữu, rồi ban rằng: Ta nối nghiệp lớn đã bảy năm nay, ngày đêm lo lắng, không dám thong thả, vui chơi; mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm. Ta lo nghiệp lớn tổ tôn phó thác cho ta, nên ta phải lựa người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn, nhưng vì thứ xuất, mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng; con thứ hai là Phước Tuy công thông minh ham học giống in ta, đáng nối ngôi làm vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để tại trong long đồng. Các ngươi phải kính noi đó, đừng trái mạng ta”.[2]
Theo nguồn sử liệu này, nguyên nhân khiến vua Thiệu Trị không chọn Hồng Bảo làm người kế vị là vì ông là con của vợ thứ (thứ xuất) và “ngu độn, ít học, chỉ ham vui chơi”. Di mạng vua cha để lại là vậy nhưng Hồng Bảo không thể “nuốt trôi quả đắng” này. Vì thế, khi đình thần tuyên đọc di chiếu của vua Thiệu Trị lựa chọn Phước Tuy công Hồng Nhậm làm người kế vị ngôi báu, Hồng Bảo uất ức đến độ thổ huyết ngay tại sân chầu, đình thần phải dìu vào hậu điện chạy chữa mới qua cơn nguy kịch.
Sau khi bình phục, Hồng Bảo luôn tìm cách đoạt lại ngôi báu. Bấy giờ trong triều lan truyền tin đồn Hồng Nhậm là con ruột của Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế nên vị đại thần này mới tìm kế gạt bỏ Hồng Bảo để đưa Hồng Nhậm lên ngai vàng. Nhiều người cho rằng tin đồn này xuất phát từ những người ủng hộ Hồng Bảo nhằm loại bỏ vua Tự Đức và đưa Hồng Bảo trở lại ngai vàng.
Tuy nhiên, đến cuối năm Tân hợi (1851), thì Hồng Bảo bị triều đình bắt giữ trong khi đang sửa soạn trốn đi Tân Gia Ba (Singapore). Nguyên nhân của sự việc này, theo Giám mục Pellerin, một giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Huế đương thời, trong bức thư đề ngày 26.11.1848 in trong cuốn Annales Propagation Foi, cho hay: Sau khi vua Tự Đức lên ngôi được một năm, Hồng Bảo đã tìm mọi cách để lấy lại ngôi báu. Ông liên lạc với những người Thiên Chúa giáo, lôi kéo họ đứng về phe mình và hứa hẹn nếu họ giúp ông giành lại được ngai vàng thì ông “sẽ không chỉ để cho tín đồ được tự do hành đạo mà còn dùng thế lực của mình để biến cả nước thành Thiên Chúa giáo”. Những người Thiên Chúa giáo ở Huế đã nhiều lần hỏi ý kiến Giám mục Pellerin về đề nghị của Hồng Bảo, nhưng Giám mục Pellerin không tán thành và viện lý do “chỉ nên tin tưởng vào Chúa Trời và Đức Mẹ mà thôi… không được xen vào chính trị”.[3]
Do không lôi kéo được các cha cố người Pháp và giáo dân ở Huế ủng hộ mình, Hồng Bảo tìm cách trốn đi Tân Gia Ba để cầu viện người Anh. Theo lời kể của Galy, một người Pháp sinh sống ở Huế đương thời, thì: “Long Hoàng Bảo (tức Hồng Bảo) luôn luôn bí mật vận động để đoạt lại địa vị. Ông đã nhiều lần tiếp xúc với những người Công giáo ở kinh đô, hứa sẽ cho họ được hoàn toàn tự do về mặt tôn giáo và nhiều quyền lợi khác nếu họ làm thế nào giúp đỡ để ông đoạt lại ngôi báu. Các tín đồ Thiên Chúa giáo luôn luôn hỏi Giám mục Pellerin. Cha đã trả lời rằng tôn giáo ngăn cấm việc truất ngôi vua… Không thể dựa vào những người công giáo được, Long Hoàng Bảo xây qua hướng khác. Cuối năm 1851, nhân Tết âm lịch, ông bị bắt trong khi sửa soạn một cuộc đi trốn. Ông có ý định sang Tân Gia Ba cầu viện người Anh. Một chiếc tàu nhỏ đổ ở dòng sông chảy ngang ngoài Kinh Thành. Còn chiếc tàu lớn sẽ chở ông qua Tân Gia Ba thì đậu ở một cửa bể lân cận. Tàu và ghe thuyền bị tịch thu, khí giới và các thứ cần dùng đã tích trữ khiến người ta không thể nào không nghi ngờ về ý định của ông được. Dưới triều Minh Mạng, tội đó được xử lăng trì, nhưng tôi không hiểu sao lính chỉ được lệnh phải coi chừng mà thôi. Trong khi mưu cơ bại lộ, ông định tự tử nhưng mấy đứa đầy tớ ngăn cản kịp, ông phải quyết định nhờ sự khoan dung của nhà vua. Mình mặc áo chế, đầu tóc rối bù, tay ẵm đứa con trưởng chừng sáu, bảy tuổi, ông đi vào Đại Nội khóc lóc thảm thiết. Khi được đưa đến trước mặt mua Tự Đức, ông thú nhận dự định trốn ra khỏi Hoàng Thành, nhưng không phải như lời người ta tố cáo ông muốn kêu gọi người ngoại quốc đến đây để gây giặc giã trong nước. Bây giờ ông nghèo khó, bị khinh khi, bạn bè tôi tớ ngày một xa lánh, không thể nào giữ thể diện như xưa được nữa, nên nguyện vọng độc nhất của ông là xin sang Pháp để sống như một kẻ thường dân. Không hẳn là vua Tự Đức tin theo những lời nói ấy, nhưng cảm động thấy anh quỳ xuống dưới chân để cầu xin, vua mới tỏ những lời an ủi vỗ về nói cho ông biết vua không bao giờ tin theo những lời vu khống đổ tội cho Hồng Bảo. Nhà vua lại cho Hồng Bảo được trả thù những kẻ phản bội đã hèn hạ tố cáo mình. Muốn cho ông anh yên tâm hơn nữa, vua Tự Đức bảo rằng không cần phải đi đến nước ngoài cho xa xôi, vua tự đùm bọc để ông anh được sung túc. Ngoài ra vua quyết định nuôi con Hồng Bảo làm con nuôi. Ngay trong khi đó vua Tự Đức lại ban cho ông anh 100 thoi bạc và một thoi vàng”.[4]
Cử chỉ khoan hồng này của vua Tự Đức được người đương thời đánh giá rất cao, nhưng Trương Đăng Quế thì không hài lòng. Người ta cho rằng, Trương Đăng Quế đã giăng bẫy Hồng Bảo và đã bắt được quả tang Hồng Bảo đang mưu đồ tạo phản nên muốn xử trảm Hồng Bảo, nhưng vua Tự Đức lại khoan hồng cho anh trai của mình. Có lẽ vì thế mà mối thâm thù của Hồng Bảo đối với vị đại thần họ Trương càng thêm sâu sắc. Hồng Bảo từng tuyên bố rằng “ông đã bị cướp ngôi thì (ngôi vua) thà về tay em hơn là về tay kẻ khác, nhưng ông muốn làm vua để một ngày kia moi gan ông Quế”.[5]
Thực tâm, vua Tự Đức cũng không muốn ra tay sát hại anh mình. Ngược lại, ông còn tìm cách cố kết tình thâm bằng việc tha tội cho Hồng Bảo và lưu dụng ông ở Huế. Vua còn ban thêm tiền gạo và bổng lộc cho Hồng Bảo. Sách ĐNTL chép: “Tự Đức năm thứ 5 (1852)… (vua) ban thêm tiền gạo cho An Phong Công là Hồng Bảo, trừ số lương ăn hằng năm, không kể, thưởng thêm cho mỗi năm 500 quan, gạo 500 phương”.[6] Ngoài ra, năm 1852, vua Tự Đức còn cho dựng nhà thờ để thờ bà Quí tần Đinh Thị Hạnh, mẹ đẻ của Hồng Bảo. Vua cho rằng: “khi Hiến tổ Chương hoàng đế (Thiệu Trị) chưa lên ngôi vua, (Quí tần Đinh Thị Hạnh) hầu hạ ở bên tả, bên hữu, vẫn có tiếng là người đức tốt cẩn thận, cho nên đều đặc biệt chuẩn cho dựng nhà thờ”.[7]
Tuy được vua Tự Đức đối xử tử tế nhưng Hồng Bảo vẫn chưa quên được ngai vàng. Ông chiêu dụ những người bất đắc chí với triều đình Tự Đức, họp thành bè đảng, uống máu ăn thề, đồng thời, cho người ra ngoại quốc, liên kết cầu viện với những thế lực lưu vong ở Xiêm và Cao Miên, toan tính tiến hành một cuộc tạo phản để giành lại ngôi báu. Mùa xuân năm 1854, điều gì đến đã xảy đến. Cuộc tạo phản do Hồng Bảo chủ mưu đã nổ ra nhưng bất thành. Hồng Bảo và đồng đảng bị bắt và bị tống giam vào ngục.

2. Cái chết của Hồng Bảo và bản án giành cho gia đình ông sau sự biến “loạn Chày vôi”

Một người không cam chịu mất ngôi báu nên luôn tìm cách “mưu phản” để đoạt lại ngai vàng đã mất. Một người vì tình nghĩa huynh đệ nên đã nhiều lần “ân xá” cho anh. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”: mùa xuân năm 1854, thêm một âm mưu “tạo phản” của Hồng Bảo bị phát giác. Ông và đồng đảng bị bắt giam. Hồng Bảo bị xử án tù chung thân nhưng ít lâu thì ông thắt cổ tự vẫn trong ngục. Liệu đó có là sự thật?
Sau sự kiện trốn đi Tân Gia Ba bất thành, Hồng Bảo tự thân nộp mình chịu tội và được vua Tự Đức ân xá, cho lưu lại Kinh Thành Huế. Nhà vua đã đối đãi tử tế với ông, chu cấp thêm bổng lộc nhằm đảm bảo cho ông một cuộc sống sung túc và an nhàn, để ông quên đi khát vọng đoạt lại ngôi vị. Vì thế, ngoài phần lương bổng được hưởng trước đây, hàng năm, vua Tự Đức còn ban cấp thêm cho Hồng Bảo 500 quan tiền và 500 phương gạo. Vua Tự Đức cũng chăm lo thờ phụng Quí tần Đinh Thị Hạnh, mẹ của Hồng Bảo, như là một cử chỉ để tạo niềm tin và thu phục Hồng Bảo và gia quyến ông. Tuy nhiên, Hồng Bảo không bao giờ quên được ngai vàng. Vì thế, ông vẫn tiếp tục tập hợp bè đảng và tìm cơ hội để mưu phản.
Trong một bức thư viết vào năm 1855 in trong cuốn Annales Propagation Foi, Giám mục Pellerin cho biết: “An Phong công (Hồng Bảo) không chịu an phận, cứ luôn kiếm cách để dành ngôi với em… Đã nhiều lần ông ấy tìm cách điều đình với tôi, nhưng tôi trả lời rằng: những người Công giáo không phải là kẻ dự vào các cuộc âm mưu. Hồng Bảo xoay qua mặt khác. Ông quyết rũ những kẻ bất đắc chí, những kẻ tham lam mà ông đưa ra rất nhiều hứa hẹn. Một hôm, ông nhóm họp những người trong đảng lại, bắt uống máu ăn thề. Đó là một buổi lễ thông thường trong xứ này, giữa những kẻ muốn tham dự vào một hội bí mật và thề cùng sống chết… Buổi lễ nói trên cử hành xong, năm bảy người trong nhóm đã ra ngoại quốc, có lẽ là để kêu gọi thêm đồng chí. Một người trong bọn họ đã theo con đường Xiêm và Cao Miên để trở về nước, đem theo một nhà sư đã tuyển mộ được. Nhưng dọc đường do đối đãi với nhà sư này không tử tế, nên lúc qua đến biên cảnh Việt Nam, nhà sư liền tố giác với quan lại của vua Tự Đức. Vì thế mà những kẻ tay chân của Hồng Bảo trong khi đang ngủ ngon giấc liền bị bắt trói, bỏ vào cũi như con thú dữ để giải về Kinh. Bị tra tấn đau, y đã khai cả. Hình như, trong lời cung, y có nói đến một chiếc tàu sẽ đến. Mà quả đúng như vậy, vào khoản đầu tháng Ba, một chiếc tàu nhỏ, tôi cũng không rõ thuộc về quốc tịch nào, đậu ở cửa bể trước Kinh Thành, súng ống hẳn hoi ra vẻ một chiếc tàu chiến. Trên tàu, người khá đông, nào là Xiêm, Trung Hoa, Nam Kỳ, người ta bảo có cả người Âu châu nữa. Đoàn người trong thuyền đợi mãi vẫn không thấy ai đến bày mưu tính kế gì, nên vội vàng chạy thẳng ra bể. Việc chiếc tàu này xuất hiện đã gây một xúc động lớn cho cả Kinh Thành. Những người giàu có lo chôn của, lại có kẻ rang cơm để làm lương khô đem theo lên núi. Cơn lo sợ đã qua, các quan liền treo bản yết thị nếu có kẻ nào hoang mang lo sợ thì sẽ bị xử tội”.[8] Giám mục Pellerin còn cho biết thêm: Sau khi vụ việc bại lộ, Hồng Bảo bị triều đình xử tội lăng trì, nhưng vua Tự Đức đã tha tội chết và đổi thành án chung thân. Triều đình xây mới một ngục thất để giam giữ Hồng Bảo và dự định chuyển ông vào giam ở nơi này nhưng Hồng Bảo không chịu, rồi nhân khi một mình ông đã dùng vải trải giường để thắt cổ tự vẫn.[9]
Vụ mưu phản của Hồng Bảo là một việc tày đình, nhưng sử sách triều Nguyễn ghi chép vụ này rất vắn tắt.
Sách Quốc triều chánh biên toát yếu chỉ chép mấy dòng: “Năm Giáp dần thứ 7 (1854)... Hồng Bảo, mưu nghịch, tự tử. (Vì không được lập cho nên mưu nghịch. Khi có tội, triều đình đổi ra họ Đinh). Con trai, con gái Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đều bị xóa tên trong sổ Tôn thất”.[10]
Sách ĐNTL cũng chỉ ghi: “Giáp dần, Tự Đức năm thứ 7 (1854)... An Phong công là Hồng Bảo mưu khởi nghịch, rồi thắt cổ tự tử ở nơi giam; con trai con gái Hồng Bảo và người dự mưu là viên đã chết là Tôn Thất Bật, đều bị tước bỏ tên trong sổ Tôn nhân, viên bị cách chức là Đào Trí Phú, phải tội lăng trì xử tử; các phạm nhân đều bị tịch thu gia sản và bắt cả thân thuộc. Trước đây, Hồng Bảo vì không được lập lên làm vua, nên để lòng mưu phản, toan thông ngầm với người Tây Dương. Việc bị phát giác, nhưng vua vẫn ưu đãi, khoan dung cho Hồng Bảo. Đến năm ngoái, Hồng Bảo lại sai ngầm thuộc hạ ở phủ là Trần Tuấn Đức thông ước với nước Cao Miên nổi loạn. Kinh lược đại sứ là Nguyễn Tri Phương bắt được Đức giải về Kinh, tra xét quả là sự thực, Hồng Bảo tự tử ở nơi giam. Vua ra lệnh bắt đổi Bảo là họ Đinh và Bật đổi là họ Phan (đều là theo họ của mẹ)”.[11]
Chính cách ghi chép giản lược trong sử sách triều Nguyễn đã khiến người ta nghi ngờ. Nhiều người không tin việc Hồng Bảo thắt cổ tự tử là thực, mà cho rằng chính vua Tự Đức hoặc Trương Đăng Quế đã ra lệnh ám hại Hồng Bảo để trừ hậu họa, nhưng vì sợ những lời thị phi nên mới “đặt bày” chuyện Hồng Bảo tự vẫn trong ngục.
Đương thời truyền tụng một giai thoại về bài thơ “răng cắn lưỡi” của Nguyễn Hàm Ninh như là một minh chứng cho sự ngờ vực này. Chuyện kể rằng trong một dịp vua Tự Đức ban yến cho bá quan văn võ, trong lúc đang ăn bỗng dưng nhà vua cắn phải lưỡi của mình. Là một người hay chữ, giỏi ứng biến, nhà vua liền bảo với đình thần là ông muốn nhân việc này để mời các quan làm thơ với chủ đề “răng cắn lưỡi”, ai làm thơ hay sẽ được ban thưởng. Dự yến hôm ấy có một vị quan tên là Nguyễn Hàm Ninh, quê ở Quảng Bình. Ông đã xin đọc bài thơ do ông vừa ứng tác, tựa là “Xỉ giảo thiệt” (Răng cắn lưỡi): “Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh. Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh. Nhất đường cộng hưởng trân cam vị. Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình” (Thuở tớ sinh ra chú chưa sinh. Tớ sinh ra trước tớ là anh. Một nhà chung hưởng bao bùi ngọt. Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình?). Bài thơ quả đúng là miêu tả chuyện “răng” và “lưỡi”: Lưỡi có trước răng, ắt lưỡi phải là anh và răng phải là em. Cùng nằm ở trong miệng, lẽ ra, lưỡi và răng cùng nhau hưởng miếng ngọt bùi. Ai dè răng lại cắn lưỡi. Song thực ra, Nguyễn Hàm Ninh muốn mượn chuyện “răng cắn lưỡi” để chê trách việc Tự Đức là em đã giành ngôi báu của anh lại còn hại chết anh trai của mình. Vua Tự Đức nghe xong bài thơ liền bảo: Thơ của ngươi tuy hay nhưng giọng điệu xúc xiểm. Vì thế, ta thưởng cho ngươi năm lạng bạc nhưng cũng phạt ngươi ba roi. Nói đoạn bèn sai người mang năm lạng bạc ban thưởng cho Nguyễn Hàm Ninh, rồi nọc ông ra giữa sân đánh ba roi.
Ngay cả con cháu của họ Nguyễn cũng không tin chuyện Hồng Bảo thắt cổ tự vẫn là sự thực nên khi biên soạn thế phả họ Nguyễn Phúc thì họ đã viết: “Việc chết của ông (Hồng Bảo) rất mờ ám, ở ‘Quốc triều chánh biên toát yếu’ chỉ chép có hơn ba hàng; trong ‘Đại Nam thực lục Đệ tứ kỷ’ chép nhiều hơn nhưng chẳng rõ ràng gì: chép ông phản nghịch thắt cổ chết. Trong một bài cụ Ưng Trình viết (Một quan niệm về phương pháp đọc sử) có ghi: lúc cải táng mộ ông dưới triều Khải Định, theo lời kể của cụ Ưng Dinh, thuở đó làm Tham tri bộ Hình, thì trong quan tài có chôn theo một viên đá. Phụ lão ở đó kể rằng ngày trước họ nghe nói khi ông bị giam có một bức tường sập xuống đè chết ông, nên chôn theo viên đá để làm chứng. Điều đó chứng tỏ thời đó họ đã sắp xếp một cái chết hữu lý cho ông, vì nếu để ông sống cũng khó làm yên lòng vua Dực Tông (Tự Đức) cùng các quan lại quanh vua”.[12]
Mặc dù đã chết, nhưng Hồng Bảo vẫn bị buộc tội phải đổi sang họ của mẹ ông là họ Đinh. Con trai trưởng của ông là Nguyễn Phúc Ưng Đạo phải đổi thành Đinh Đạo. Nhưng sự việc liên quan đến gia đình Hồng Bảo không dừng lại ở đây. Tháng 10.1866, Đoàn Hữu Trưng, con rể của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, đã liên kết với Hữu quân Tôn Thất Cúc, một người hoàng phái đang nắm giữ một phần quân đội triều đình, lãnh đạo những dân binh đang tham gia xây dựng Vạn Niên cơ (sau này là lăng mộ của vua Tự Đức) tiến hành một cuộc chính biến mà sử sách vẫn gọi là “loạn Chày vôi”. Quân khởi nghĩa, với vũ khí chủ yếu là những chiếc chày giã vôi để xây lăng, từ công trường Vạn Niên tiến về bao chiếm Hoàng Thành. Vua Tự Đức nhờ sự bảo vệ của Chưởng cơ Hồ Oai nên thoát chết. Đoàn Hữu Trưng tuyên bố phế truất vua Tự Đức và rước hoàng tôn Ưng Đạo (đã bị đổi thành Đinh Đạo) lên ngai vàng. Lực lượng trung thành với vua Tự Đức kịp thời phản công và dập tắt “loạn Chày vôi” ngay trong đêm. Tất cả những người tham gia binh biến đều bị xử tử. Ưng Đạo tuy chỉ bị Đoàn Hữu Trưng “mượn tiếng” để mưu sự, không trực tiếp tham gia cuộc binh biến, nhưng ông cùng mẹ và anh em đều bị triều đình xử tội chết. Trong khi, quận chúa Thể Cúc, vợ của thủ lĩnh cuộc biến loạn Đoàn Hữu Trưng thì được tha. Chính điều này khiến người đời oán trách vua Tự Đức.
Nhà sử học Bửu Kế, một người thuộc dòng dõi Nguyễn Phúc đã viết: “Trong cái án về vụ khởi loạn này có một vài điều chúng ta vẫn không được rõ uẩn khúc. Như Đoàn Hữu Trưng là vai thủ xướng thế mà bà vợ vẫn không bị tội gì, còn Đinh Đạo (Ưng Đạo) thì bị xử tử cả nhà. Chính Tự Đức đã tàn nhẫn chỗ đó. Tuy án do triều đình nghị xử, nhưng vua có thể cứu vớt cháu mình hoặc tha bằng cách xử nhẹ. Có lẽ vì vua đã quá sợ biết đâu một ngày kia có thể có một nhóm nào khác nữa cũng mượn tiếng Ưng Đạo mà nỗi loạn. Theo trong sử thì nhóm Đoàn [Hữu] Trưng mượn tiếng phò lập Đinh Đạo. Đây chỉ là việc mượn tiếng, có thể không liên lạc gì với nhóm này mà bị chết oan. Người ta có thuật lại rằng, hôm xử tử gia đình Đinh Đạo, trời đang nắng to, bỗng nhiên u ám. Tuy đó chỉ là một sự tình cờ, nhưng lúc bấy giờ một phần lớn dư luận cho rằng Đinh Đạo đã chết oan. Và thảm hơn nữa là đứa con nhỏ của Đinh Đạo tưởng đã thoát khỏi nhưng về sau cũng lại bị bắt nốt tại gia đình của phò mã Nguyễn Đình Tứ và cũng do việc này mà Trần Tiễn Thành bị giáng một trận”.[13]
Xem ra, vua Tự Đức không phải là một người thực lòng khoan dung như nhiều người từng nghĩ. Ngược lại, ông đã rất thuộc lòng bài học “nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc” mà Trần Thủ Độ đã áp dụng với hậu duệ nhà Lý trước đây.
T.Đ.A.S.
------
Chú thích
[1] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 349.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, bản dịch đời Khải Định, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr. 279.
[3] Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2002, tr. 56.
[4] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 56.
[5] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 57-58.
[6] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 59.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL, Tổ phiên dịch Viện Sử học biên dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, Tập 7, tr. 106.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, tr. 243.
[9] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 61-62.
[10] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 62.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, tr. 296.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, tr. 303.
[13] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Sách đã dẫn, tr. 350.
[14] Bửu Kế, Sách đã dẫn, tr. 72.
Trong hình ảnh có thể có: vẽ
Chân dung vua Tự Đức do người Pháp vẽ. Ảnh tư liệu