Đạo và chân lý của Mr. Đặng Lê Nguyên Vũ


( Bài này không chém mà viết với kiến thức thực, mong các bạn đọc kỹ để hiểu thêm về những vấn đề huyền diệu xẩy ra rất có thể mà ta chưa đủ kiến thức để nhận xét. Nếu có vị nào cho rằng bài viết vô lý thì xin cho hai chữ bình yên, nếu khai hỏa khi chưa đủ đạn sẽ bị hủy diệt bằng hàng loạt bom nguyên tử hạt nhân mới đưa về từ Triều Tiên. Kkk...cảm ơn các bạn)
Đạo - tức lối đi, đường đi, con đường, tên gọi của một nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Không có đường, chúng ta bó chân và chỉ quẩn quanh ở sân nhà, nhiều nhất là cất bước sang chơi với con vợ của thằng hàng xóm ở nhà bên, chúng ta không thể đi xa hơn nữa để được hưởng hoa thơm cỏ lạ, hoặc để” Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đường càng dài càng rộng thì ta càng đi xa càng thu được lợi ích nhiều hơn trong du lịch, giao thương, học tập và rất nhiều điều tiện lợi khác. Đấy là nghĩa đen của chữ Đạo, theo chữ Hán 道 (Đạo )hay 道路(Đạo lộ).
Một khái niệm khác của chữ 道 là ý nghĩa trừu tượng của nó chỉ về phương hướng, lý tưởng, đường lối dẫn dắt con người tìm đến chân lý, đi đến mục tiêu để thực hiện mơ ước nào đó mà mình đặt ra, như đạo làm người, đạo làm con, đạo lý của tiên tổ để lại, đạo vua tôi, đạo làm vợ, thời phong kiến do nam nữ không bình đẳng nên không có đạo làm chồng, vậy các ông chồng tự mà lập ra cái đạo làm chồng cho nó bình đẳng, nếu không, vợ nó đánh cho mà ù tai sưng trán. Ngoài ra chữ đạo hay dùng để gọi các tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cơ Đốc, Đạo Giáo, Đạo Bà La Môn...cơ man là đạo để thu hút, lôi kéo, dẫn dắt người đời đi theo hướng mình. Có chính đạo cũng có tà đạo, chính đạo đưa loài người đến thiên đàng, tức đưa loài người đến văn minh, tiến bộ. Tà đạo đưa loài người xuống âm phủ, tức đi ngược lại nhân tâm, tham lam, giết người, hiếp dâm, cướp của...
Người đời cần đạo, cần có đường để đi. Cần có một đạo lý ràng buộc để mình đi đúng hướng, đúng lẽ phải. Người có nhân đạo làm kẻ tốt, nhà có gia đạo để hoà hợp với cộng đồng, nước có quốc đạo để dựng nước, giữ nước, thế giới có thế đạo để cùng nhau chung sống hoà bình trên địa cầu. Trời cũng có thiên đạo, bởi thế các hảo hán trên Lương Sơn Bạc mới tụ tập dựng một lá cờ đề chữ” Thi Thiên Hành Đạo”...kkk
Tóm lại thế gian không thể thiếu Đạo. Vậy thì “Đạo” được sinh ra từ lúc nào? Đạo ra đời trong tác phẩm “Lão Tử” bình luận về triết lý đối nhân xử thế. Qua nhiều năm tháng tác phẩm được nhiều tác giả chỉnh sửa, bổ xung hay cắt giảm, chú thích, cuối cùng biến cuốn sách” Lão Tử” thành cuốn “Kinh Đạo Đức”. Đạo giáo, các đạo sĩ, đạo gia tôn Lão Tử là Thuỷ tổ và Đạo giáo được hình thành cũng từ đó.
Lão Tử ngay từ chương đầu đã viết rằng:”Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh”. Lão tử khẳng định rằng, những đạo lý nắm bắt được đều là kiến thức phiến diện. Những trí thức có thể truyền thụ được, đều là kiến giải phiến diện. Ông nói:”Trong sự hỗn hợp của vạn vật, hình thành một hiện tượng tự nhiên trước khi khai thiên lập địa, không âm thanh, không màu sắc, vận hành độc lập, tuần hoàn vĩnh cữu, có thể gọi đó là mẹ của thiên địa. Tôi không biết tên gọi là gì nhưng có thể xưng là “Đạo”. Lão Tử coi đạo là nguồn gốc của vũ trụ, là bản nguyên của Trời Đất và vạn vật, có nguồn gốc tự nhiên nhưng không biết nơi xuất phát cũng không có nơi kết thúc. Lão Tử có một câu bất hủ:”Thiên chi đạo, lợi nhi bất hại. Nhân chi đạo, vi nhi bất tranh.” Dùng con mắt bác đại tinh thâm, phản phức biến đổi để hình dung ra được đạo lớn, thiên lớn, địa lớn và vương cũng lớn. Người bị chế ngự bởi đất, đất bị chế ngự bởi trời, trời bị chế ngự bởi đạo, đạo bị chế ngự bởi tự nhiên, thiên địa vạn vật đều có tác dụng tương thân, tương tác là vậy.
Kinh Dịch truyền thống có câu:”Nhất Âm Nhất Dương Chi Vị Đạo” (một âm kèm một dương” hay hoặc vừa là âm vừa là dương, cái đó được gọi là Đạo – con đường). Kinh Dịch còn có câu: "Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Trong kinh Dịch “Thái cực” và “Đạo” là một, vậy thì vận vật đều do đạo mà sinh, vạn vật biến hoá cũng từ đạo. Vậy nên bói quẻ theo kinh Dịch bao gồm những biến hoá có căn cứ tôi cho là chuẩn xác nhất.
Tôi có một ông cháu là tiến sĩ kiến trúc sư Phó Đức Tùng. Cậu ta một dạo miệt mài quý mến, tôn sùng kinh Dịch, lấy kinh Dịch làm đạo. Cậu ta chẳng cần phải bế quan tu luyện để thỉnh cầu trời đất, vẫn yêu chó yêu mèo, yêu cuộc đời, vẫn hưởng thụ nhậu nhét tứ phương trời đất. Tôi cho rằng Tùng đã ngộ ĐẠO mà đắc đạo thành tiên. Anh ta bốn mùa quần áo nâu sòng, nóng cũng như lạnh một manh áo mỏng. Thái độ cậu ta lúc nào cũng điềm đạm, vui vẻ, chỉ mưu cầu cho người với người được hoà thuận, thế giới hoà bình. Ngộ đạo có thể biến mình thành “Chân nhân”, trong sách đạo gia “Trang tử” có miêu tả, chân nhân gặp nước không đắm, gặp lửa không nóng, có thể ngao du trời đất, thọ cùng thiên địa. Đây là diễn biến cuối cùng khi một đạo gia tu luyện đến mức trở thành thần tiên. Thần tiên còn có thể tịch cốc phục khí (là một giai đoạn trong quá trình tu tiên, không cần ăn ngũ cốc, chỉ cần hút năng lượng từ không khí) hàn thử bất nhập ( nóng lạnh không nhập thân), hành cập bôn mã, thần hình cự diệu, bất kể khi nào đều có thể biến mình trong chân không, không bị bó buộc bởi sinh tử. Phó Đức Tùng tuy chưa đạt được cảnh giới vậy, nhưng thân thể toát ra tiên khí, nóng lạnh bất nhập, đi đứng nhẹ nhàng như cưỡi mây, rất có thể sẽ đắc đạo trong tương lại...kkk
Ở trên tôi nói về Phó Đức Tùng có thể đã ngộ Đạo nhưng âm thầm đeo đuổi cái Đạo của mình mà không đưa ra một lý luận gì công khai trước công chúng. Nhưng có một vị bây giờ đang được dư luận bàn tán xôn xao và nghi ngờ liệu ông ta có bị điên hay không? Đó là Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên. Sau 49 ngày thiền định, ông ta có nhiều thay đổi lạ lùng. Thông kim bác cổ, hiểu hết mọi điều bí ẩn của vũ trụ, tất cả mọi kiến thức, khoa học ở thế gian đều biết và thông thạo, giải thích được tường tận. Chúng ta cứ đặt giả thiết và tạm tin ông ta để phân tích theo xu hướng này.
Ông ta nói:”Chưa bao giờ trong lịch sử kiến tạo ra loài người, trời đích thân thử thách ai, dạy ai, trao quyền cho ai, nhưng trời đã trao cho Qua mọi kiến thức, để giúp những người anh em, giúp cho nhân loại.”. Với sự hiểu biết của tôi, trên lý thuyết chủ quan của tôi thì tôi cho rằng ông ta không bị điên như nhiều người tưởng tượng. Mạnh dạn mà nói ông ta đã NGỘ ĐẠO! Ông ta đã được một đấng Đại trí tuệ, đại thành tựu truyền pháp trong 49 ngày ấy. Trong một câu trả lời với các nhà báo thì ông ta vô tình tiết lộ tên Ngài:” Mục tiêu của Trung Nguyên, của dân tộc hay của nhân loại thực chất là một. Đó là liên hoa sinh. Khát vọng của qua là giúp mỗi con người, kể cả những người khó khăn, nghèo khổ nhất được hạnh phúc.” Ở câu này có nhắc đến cụm từ Liên Hoa Sinh ( phải viết hoa), nhưng bởi các phóng viên không biết “ Liên Hoa Sinh” là gì nên không viết hoa. Tương truyền rằng, Liên Hoa Sinh là một Đại sư Ấn Độ sinh ra trong một hoa sen, tại Tây Bắc Kashmir, sớm thông tất cả kinh sách, nhất là Mật giáo. Ông sống cùng thời vua Tây Tạng Ngật-lật-song Đề-tán (755-797) khi ông truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập tông Ninh-mã. Vì sao tôi hiểu rõ về Liên Hoa Sinh? Bởi tôi cũng là một tín đồ Hồng Giáo Mật tông, sư tông của tôi là “Phật Sống Liên Hoa”. Ngài cũng trải qua một thời kỳ thay đổi bởi duyên đến. Ban đầu Ngài là một tín đồ Cơ Đốc, một hôm Ngài đi cùng mẹ đến chùa nhưng đứng bên ngoài khuôn viên chùa. Một tín đồ phật bị thần thánh nhập vào gọi tên cúng cơm của Ngài, bắt Ngài đi vào trước điện thờ để nghe lời phán của thánh:”Ngươi đầu thai xuống trần là mang theo trọng trách truyền ĐẠO, khai hoá cho dân chúng, và bây giờ chính là thời điểm. Ta hẹn ngươi từ 3 giờ sáng hôm sau bắt đầu truyền đạo”. Ngài kinh hoàng đến mức phủ phục sát đất để nghe “Thánh chỉ”. Từ đó, mỗi buổi vào lúc 3 giờ sáng tĩnh mịch và trong lành. Một linh hồn giáng xuống linh hồn Ngài truyền dạy cho Ngài tất cả các đạo lý con người, kinh kệ, luật lệ của phái Mật tông cũng như đạo phật...Khi một bộ óc được khai thông bởi đại trí tuệ thì sự tiếp thu kiến thức có thể dùng hai chữ “ thần thánh” hoá. Mọi kiến thức được “ mật” truyền từ linh hồn này đến linh hồn khác như ta tải dữ liệu download từ phần mềm máy tính này sang phần mềm máy tính khác một cách nhanh chóng, chính xác. Chỉ trong vòng 49 ngày sau, Sư Tông tôi từ một tín đồ Cơ Đốc giáo thông thường hoá thân thành một vị đại sư phái Hồng Giáo Mật Tông, có trọn bộ óc của một nhà đại trí tuệ, đại thành tựu, gánh vác trên mình một thần trách là truyền đạo, khai thị cho chúng sinh hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống và hướng THIỆN. ( Quý vị có thể tham khảo trên trang Website “True Buddha School Net”).
Tôi quả thật nghi ngờ ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một trải nghiệm giống như Sư Tông của tôi trong một khía cạnh nào đó, khiến ông đã mạnh mồm tuyên bố thấu hiểu vũ trụ muôn điều. Con mắt là cửa sổ của linh hồn. Mắt ông ta sáng ngời ngời, giọng nói rất ổn định, nội dung truyền đạt đầy trí tuệ, không giống một bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Hơn 1000 năm trước, đại sư Liên Hoa Sinh cũng phát biểu nhiều câu làm “choáng” các môn đồ và chúng sinh mà bị nhiều người cho rằng Ngài bị dở. Người phán rằng:”“Đương thiết điểu tại không trung phi hành (tức trên bầu trời có máy bay phi hành ), thiết mã tại địa thượng bôn trì (trên mặt đất có xe lửa cùng ôtô chạy nhanh), sau đó chính là đến thời đại Mạt pháp. Ở thời Mạt pháp, toàn bộ thế giới sẽ xuất hiện tình hình đúng như vậy, quân vương không giống quân vương, bề tôi không giống bề tôi, phụ thân không ra phụ thân, nhi tử không ra nhi tử, phụ tử giống như bạn chơi. Đàn bà không tuân thủ trinh tiết, đàn ông dâm dục không có phép tắc, Phật giáo mạt pháp ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu suy bại”. Liên sư lại tiên đoán, nói: “Thật kỳ diệu! Cái thời đại xe không cần ngựa kéo, mà tự mình có thể chạy được. Thật kỳ diệu! Cái thời đại thanh thiếu niên, vì sao bàn chân chỉ cần dẫm lên sừng trâu, lại có thể lượn khắp vòng quanh đây? Thật kỳ diệu, cái thời đại mà những người, không cần đi ra khỏi cửa, mỗi ngày chỉ cần ngồi trước một cái gương, là có thể biết mọi chuyện thiên hạ, hơn nữa còn có thể liên hệ hỏi thăm nhau! Thật sự là thần kỳ!”. Những lời nói như vậy cách đây hơn ngàn năm nghe như điên rồ nhưng đến nay đều thành sự thật.
Đặng Lê Nguyên Vũ chưa thể hiện ra những lý luận cho một mục tiêu cao xa, đem lại lợi ích vĩ mô cho một thế giới đại đồng. Nhưng phần ông nói về cà phê đạo tôi cho là một ý kiến thánh thiện trong kinh doanh. Để doanh nghiệp phát triển to lớn hơn thì phải có tầm nhìn cao xa hơn. Cũng như khi anh muốn có mười chiếc ô tô xếp hàng chạy cùng một lúc thì anh phải có một con đường lớn hơn, hiện đại hơn. Ông ta đã nhìn thấy ĐẠO, cái đạo cà phê để thổi hồn cho cà phê, cho sự nghiệp của ông, để đưa sự nghiệp của ông bước lên một tầm cao mới với một dáng vóc mới.
Trước cà phê đạo thì người Nhật đã thổi hồn cho trà, biến trà từ thức uống bình thường thành nghệ thuật sống, tinh hoa cốt lõi của dân tộc mình. Trà đạo Nhật Bản nổi tiếng và đầy bí ẩn khiến các du khách quốc tế phải tò mò mà ngồi xuống thưởng thức, chiêm nghiệm. Từ trà, người Nhật truyền tải một thông điệp đến cho khách thưởng trà rằng:” Người Nhật chúng tôi có một tâm hồn trong sạch, thơm tho, hướng thiện, như màu sắc, như vị trà thanh khiết và thiêng liêng “ từ đó tăng thêm giá trị văn hoá của trà, thêm linh hồn vào cho trà, dạy cho khách biết không chỉ là phép tắc uống trà mà còn là cách gột sạch tâm linh, tu tâm dưỡng tính, hướng đến những điều thiện lương, hướng đến cái đẹp. Trong quy trình cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật trà đạo, họ đều sẽ học được bốn nguyên tắc cơ bản gồm Hoà, Kính, Thanh , Tịch (hòa hợp – kính trọng – thanh thản – yên tĩnh). Đó là tinh thần của trà đạo, cốt cách của trà đạo, cộng thêm các phép tắc, từ chọn nước pha trà, làm ấm tách dụng cụ, pha trà như thế nào đến cách rót trà và cách uống trà, từ đó việc kinh doanh trà đã biến thành chuyên nghiệp hoá, thần thánh hoá, nó khác với trà chén bụi rẻ tiền ở đường phố Việt Nam.
Tôi thấy Đặng Lê Nguyên Vũ có ý tưởng tuyệt vời, một sách lược logic, một khát vọng thức thời mà chỉ có một bộ óc thông minh tuyệt đỉnh mới nghĩ ra được. Một bộ óc tinh thần phân liệt không thể có được một tư duy như vậy. Một phóng viên hỏi ông:”Ông nói rằng 5 năm trước không có ý niệm gì về trời, đạo nhưng đến nay ông lại nói rất nhiều triết lý của đạo trời, của thần, phật… điều gì đưa ông đến với những ý niệm này?”. Ông nói: “Đó như cái duyên. Cái gì đến thì nó đến thôi. Qua không biết vì sao từ nhỏ qua luôn ám ảnh bởi cái chết. Đầu làng qua ở có bãi tha ma, qua luôn bị ám ảnh. Không hiểu vì sao. Qua cứ đi kiếm đi tìm mà không biết mình đi tìm cái gì.”Và giờ thì ông đã tìm được và ngộ ra, rồi bắt đầu sự thay đổi về ý thức hệ và hành động sau khi “rất có thể” ông được truyền tải, khai thông vốn trí tuệ của trời đất. Ông bắt đầu với kế hoạch “đạo cà phê" của ông. Từ đạo cà phê tiếp đến là đạo làm người, làm một người Việt Nam dũng cảm, kiên trinh, nồng ấm, thơm ngát đạo đức con người, thơm ngát tình bằng hữu như khi chúng ta ngồi trước một tách cà phê thơm tho, tinh khiết, đậm đà, hấp dẫn, mỗi buổi sáng.
Xin nhắc lại câu nói của Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói ở trên:”Mục tiêu của Trung Nguyên, của dân tộc hay của nhân loại thực chất là một. Đó là Liên Hoa Sinh. Khát vọng của qua là giúp mỗi con người, kể cả những người khó khăn, nghèo khổ nhất được hạnh phúc.”
Một câu nói đầy trí tuệ, đầy giác ngộ với một tâm trạng rất bình thường. Phật pháp có câu:” Bình thường tâm thị Đạo”, ông đã tìm ra cái đạo của mình. Tôi mong những điều tôi phân tích về ông ta là chuẩn và cũng mong các bạn của tôi nên thận trọng nhìn nhận đánh giá ông một cách công bằng, hợp lý căn cứ vào sự hiểu biết đích thực của mình. Không nên a dua với một số phát biểu chỉ nhằm đùa cợt để đem về mục đích mua vui và hạ nhục một người thành công, giàu có hơn mình. Sống cao thượng và đạo đức với một tầm cỡ lớn, không đi lệnh Đạo để trở thành kẻ thấp hèn vô Đạo.
Tôi hay viết tặng những người xin chữ một chữ “佛”(Phật), từ Phật nghĩa là Giác Ngộ. Đạo Phật được hiểu là con đường đi tới sự Giác Ngộ. “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh”. Cầu chúc cho ông đã giác ngộ và thiết kế thành công một “Đạo cà phê” để đi trên con đường đó với một tinh thần kiên trinh vững vàng. Qua đó về mặt tinh thần, ông đánh thức được lương tri của con người. Về vật chất, ông giúp đỡ được những con người còn khốn khổ trên đất nước này có một cuộc sống hạnh phúc hơn, ấm no hơn.

Tg: Peter Pho

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính râm
Peter Pho