Nghề làm nón lá - Tommy Vũ

Nghề làm nón lá - Tommy Vũ

Nói về nghề, có lẽ đấy là nghề phụ duy nhất trong làng tôi, nghe nói được truyền từ thời làng được lập, do cụ thành hoàng làng mang về. Cụ có nghề may áo tơi.Tôi đoán các anh chị em giờ cũng ít người biết đến từ đó, huống chi biết cái áo tơi là cái áo gì. Nó được làm từ lá, chắc là giống của lá cọ, họ dừa..hoặc tương đương thế. Rồi lợp thành cái áo, khoác lên người khi đi mưa. Thời của tôi thì vẫn còn thấy áo tơi như vậy.
(Lan man về nghề may vá, lại đá sang áo tơi, để các anh chị em biết, khâu nón- hay còn gọi là đan nón- nó bắt nguồn từ đó).
Để làm được cái nón thì cũng khá nhiều nguyên liệu, từ lá cây- quê tôi gọi lá nón, thuộc họ cây cọ, trong rừng mới có; từ mo tre (vỏ măng tre lột ra, rụng xuống, người ta sẽ thu nhặt lại), rồi từ thân cây tre, cây giang để làm vòng nón, cùng với cước (sợi ni lông) dùng để khâu nên tấm nón.
Tạo ra chiếc nón cũng cần thêm các vật dụng hỗ trợ như cái khuôn hình nón được làm từ thân tre, xếp thành 12 gọng, buộc chụm lại ở đầu, mỗi một gọng - thanh tre, được khấc thành 16 khấc, cách nhau tầm 2cm hoặc nhỏ hơn chút, để đặt vòng nón, là các vòng tre nhỏ đã được chuốt nhẵn.
Ngoài khuôn ra còn cần cái có cái lưỡi cày, chắc các anh chị nào làm ruộng mới biết, hoặc chỉ nghe nói đến mặt đứa nào đó “như lưỡi cày” thì chắc nhận ra, nó dùng để là (ủi) lá, cho nhẵn phẳng.
Công đọan chuẩn bị cho thành được cái nón kể ra cũng nhiêu khê và công phu lắm!
Làng tôi gần làng Chuông, nên để có các phụ kiện làm nón thì phải tới đó mua. Tôi chưa được đi mua lần nào, vì ngày đó khoảng cách còn khá xa, tầm 15 cây số, lại đi xe đạp mà tôi thì quá nhỏ . Chỉ nhớ và biết mẹ tôi kể là chợ Chuông họp theo phiên, tháng mấy lần. Chiếc xe đạp nhỏ thế của nhà tôi được mẹ tôi chằng về nào là mo tre, tải lá, vòng con, vòng cạp, lứa, nứt (để nẹp cho nón), nhôi chỉ (dùng để buộc quai)... và cả những đồ quà vặt mà chỉ đi chợ Chuông mới có như quả chay, dâu da đất..Bao nhiêu thứ thế cũng đủ nặng và cồng kềnh trên một chiếc xe đạp rồi. Tôi nhớ mẹ tôi đi chợ từ tờ mờ sáng tới tầm đứng bóng, gần bữa trưa thì người về.
Công cuộc đầu tiên là tẽ lá nón. Từ các chùm lá, tẽ ra cho phẳng. Giá của lá nón phụ thuộc vào độ dài, màu sắc, già non của lá. Để được cái nón trắng thì lá phải già, dài, bản to để lợp nón cho dễ. Lá xanh thường rẻ hơn, nhưng nó sẽ không trắng màu nón, khi là lá xong nó sẽ xanh và thâm đen.
Công việc vất vả nhất của làm nón có lẽ là là lá. Đê lá được phẳng, thì cần phải là từng tàu, rồi phân loại ra các độ màu, dài ngắn khác nhau, tận dụng và tránh hao hụt.
Hai viên gạch được kê chéo nhau, đặt lưỡi cày lên, dùng củi, trấu đun cho nóng lưỡi cày, rồi lấy một túm vải chụm lại, buộc ở trên cho gọn gàng để là tấm lá. Trời mùa đông thì là lá đỡ vất vả, chứ mùa hè thì vất, vì nóng và mỏi tay lắm. Đấy là tôi thấy mẹ và chị làm chứ tôi chỉ loanh quanh bên cạnh thôi. Là lá phải khéo để lửa đun vừa, không quá to, dễ cháy lá, vàng lá, hoặc làm giòn lá, sẽ đi tong tấm lá đẹp. Công cuộc là lá nhiều thì cũng mất tầm một ngày với một nhân lực.
Sau khi là lá thì tới công đoạn quay nón (quê tôi gọi thế, chứ để dễ hiểu là lợp nón) lên khuôn. Nón quê tôi thường có ba lớp từ trong ra ngoài: vòng, lá lót, mo tre, lá lợp. Do có hai loại nón khác nhau, nên có nón còn thêm lớp ni lông rất mỏng để chèn thêm ảnh các bông hoa được in lưới, hay các ảnh người mẫu, ca sỹ để làm cái nón thêm đẹp. Tôi nhớ hồi đó, diễn viên nổi tiếng là Diễm My, Diễm Hương, Lý Thu Thảo..còn có cả Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, in ảnh chèn vào mặt trong của nón. Cái khéo của người quay nón khi đặt các ảnh diễn viên, hoa vào trong nón cũng phải chú ý đến mặt và mắt diễn viên đề không khâu vào mắt họ. Chắc các anh chị em sẽ cười vì điều đó, nhưng nếu nhìn ảnh đồng chí nào bị kim chọc vào mắt thì cũng thấy vô duyên cho cái nón đẹp.
Lan man mãi mà chưa tới phần khâu nón, khéo các anh chị đọc đến đây cũng thấy nản theo độ mỏi tay gõ phím của tôi. Gắng đọc tiếp cho rõ cái nghề này cũng lắm công phu.
Quay nó xong thì tới phần khâu nón. Tuỳ vào độ mau thưa của từng mũi kim, mà giá trị cái nón cũng từ đó mà ra. Nón bóng ( có giấy bóng và hình ảnh) thường được khâu rất mau, và các mũi kim cũng đều như máy, thường bán đắt hơn rất nhiều do với các loại nón khác. Loại mo tre cũng quyết định cho sự nặng nhẹ của nón. Mo mà là loại của cây vầu, cây giang thì sẽ rất nhẹ, mỏng, giá cũng sẽ đắt hơn.
Tôi thuộc loại thợ khâu nón bình thường, tuy vậy cũng tự hào là nhất nhì trong xóm tôi. Con trai, con gái đều khâu nón tất. Nên bọn chúng tôi thường tụ tập khâu ở nhà một đứa nào đó.
Thời gian làm ra được một cái nón cũng tầm nửa ngày, từ quay, khâu tới lúc hoàn thành.
Chiếc nón có 16 vòng, từ trên chóp xuống dưới cạp nón (vòng to nhất), độ mau thưa cũng giảm dần từ trên xuống dưới, nhưng giữ nguyên ở các vòng giữa.
Các chị tôi khâu đẹp và nhanh hơn tôi được giao khâu nón đẹp, bán có giá hơn, tôi chỉ khâu loại khá.
Thời đó một chiếc nón đẹp thành phẩm cao nhất là 5 nghìn đồng, tôi ao ước khâu được như thế nhưng.. chưa làm được bao giờ. 5 nghìn là được 1 cân gạo rồi. Nhưng để hoàn thành nó cũng phải mất gần 1 ngày. Thế nên chả chơi, tôi vẫn khâu 2 cái 1 ngày rồi được chơi, cũng giá 2500 đ một cái, lại đỡ toét mắt.
Nói đến kim khâu, cần phải liệt kê ra nhiều loại kim khâu, chỉ “người trong nghề” mới phân biệt được vì giờ các anh chị em mấy người dùng kim khâu nữa. Kim dài, to nhất để khâu vòng cạp (vòng cuối cùng) của nón, còn gọi là kim sào. Kim nhỏ nhất,nhỏ từ mũi kim cho tới chôn kim, nó như một đường thẳng, mũi rất nhọn, dùng để khâu nón mũi mau, rất nhau ý. Tôi không dùng được loại kim đó vì tôi hay làm cong khi cầm, thân nó rất mảnh, và rất hay bị gẫy, nếu không cầm khéo. Kim tôi hay dùng là loại kim trung, vừa tay và để khâu nón loại vừa. Trong quá trình khâu rất dễ bị trơn tay do mồ hôi, nên thường phải có một chậu nước để... nhúng ngón tay vào, cho đỡ trơn, rồi chùi luôn vào hai.. mông quần )
Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với chiếc nón và nghề khâu nón. Bao nhiêu trò vui từ khâu nón mà ra. Đứa nào không biết khâu thì cũng phải học khâu từ nhỏ. Các chị tôi 5 tuổi đã khâu, quay được cái nón đầu tiên, còn tôi thì lớp hai mới học khâu. Làm thế nào để phối hợp nhịp nhàng tay trên, tay dưới, rút sợi cước không vướng, kim không châm vào tay thì.. cũng phải nát đầu ngón tay mới có thể khâu thành thạo được. Có lẽ từ việc khâu nón, nên tôi cũng thấy kiên trì hơn chút, ít bỏ gì giữa chừng, nhưng.. khó quá cũng bỏ như thường.
Một mũi kim khâu trên nón rộng tầm 2mm, nên để tạo hưng phấn, chúng tôi thường khâu thi nhau, khâu đua theo giờ, phút đồng hồ. Đứa nào chiến thắng thường được giải gì đó như quả ổi, quả táo hay.. chui háng đứa thua ) Thế nên thi cũng gay cấn ra trò.
Khâu nón còn là cách để bố mẹ chúng tôi không lo bọn tôi bêu nắng ngoài đường, ngoài đồng, để rồi đen nhẻm bùn đất. Con trai, con gái đều biết khâu tuốt, nên lúc đó chả ngại làm. Khi bán được nón thì chúng tôi lại được mẹ cho vài đồng để mua kem, hoặc dành tiền đi chợ mua đồ chơi hoặc quần áo.
Ngày đó, nhà chúng tôi chỉ có cái đài là vật giải trí duy nhất. Nên thường chúng tôi mở suốt ngày. Khâu nón mà không nghe cái gì, không nói chuyện gì thì thà đi ngủ còn hơn. Chúng tôi nghe nhiều nên đến nỗi thuộc gần như hết các ca sỹ, nhạc hiệu, các bài hát từ chèo, dân ca, cải lương, nhạc đỏ trên Đài TNVN. Nhiều lúc còn đố nhau nhạc hiệu xem đứa nào đoán đúng. Rồi thêm nhà nào có đài băng thì thường chúng tôi tụ tập khâu nón nhà nó để nghe. Thường là nghe nhạc vàng, liên khúc Tuấn Vũ, Hương Lan, có cả nhạc nước ngoài như Model talking, Boney M..
Nón chúng tôi khâu xong rồi, sẽ đến công đoạn của hoàn thành của mẹ. Cạp lại nón, vòng cuối cùng thường dùng cước màu đỏ, sợ to, cái kim to dùng có lẽ dài tới 5 cm. Tiếp theo là hun nón cho lá trắng màu. Dùng diêm sinh ( lưu huỳnh), cái bột màu vàng vàng, đốt lên ở một cái bát, chụm các nón lại, để khói diêm sinh nó làm trắng nón hơn. Tôi chỉ biết cái mùi đó rất khó chịu, chắc là độc, nhưng ko có cách nào khác hồi ấy làm trắng chiếc nón. Sau công cuộc tẩy trắng, chiếc nón được luồn các sợi chỉ màu vào các vòng, gọi là luồn nhôi. Có mấy cách luồn, như luồn theo đuôi cá, luồn hình thoi, luồn hình chữ nhật, với các màu chỉ khác nhau, để buộc quai nón vào đó. Ngoài ra với các nón có giấy bóng ở trong, mẹ tôi thường lấy đèn dầu, hơ vào phía trong cho các phần ni lông căng bóng, lỡ tay là thủng ni lông, sẽ bị giảm tiền ngay cái nón đó, nên phải hơ thật khéo. Để chiếc nón chịu được mưa, nắng, mẹ tôi dùng nhựa thông, ngâm với dầu hoả, dùng chổi nhỏ quẹt lên nón, gọi là quang dầu, để chiếc nón sẽ bóng láng, chịu được mưa, ẩm..
Nhiều công đoạn như thế nhưng tiền thu lại từ chiếc nón khá hẻo, có lẽ trừ chi phí đi thì chỉ được 50% giá trị thôi. Chúng tôi háo hức mấy lái buôn nón đi xe vào tận nhà để mua. Đó là ngày vui nhất vì.. nhà tôi sẽ có tiền tiêu, và có thể trưa hôm đó sẽ có một món tươi nào đó.
Chiếc nón bây giờ ít dùng và sử dụng vì giờ ai cũng đội mũ bảo hiểm hết rồi, chắc chỉ còn các bà, các mợ là còn dùng để đi chợ, hoặc vùng quê tôi đi làm đồng.
Thật tiếc cho cái nghề giờ mai một dần, làng tôi giờ không còn ai làm nữa, có lẽ chỉ còn làng Chuông làm...
Giờ mà thấy cô gái nào áo dài trắng và cầm chiếc nón thì.. có lẽ trong mơ cũng chưa mơ được..


Tommy Vũ

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi