MỘT VÙNG RAU LÁNG XA XƯA


MỘT VÙNG RAU LÁNG XA XƯA ...

(Bài viết cũ, vốn là phiên bản báo viết từ lời bình cuốn phim Tư liệu : Một vùng rau Láng hôm nay). Cuốn phim ra đời cách nay vừa đúng 20 năm. Khi ấy, chợ Hàng Bè còn chưa phải giải tỏa. Và những ruộng rau cuối cùng bên đường Láng chưa thành chợ Láng Hạ A, chợ Láng Hạ B, hay thành những chung cư, bãi đậu xe..... May là bên ngoài khuôn viên ngôi chùa Láng cổ, vẫn còn lại đôi ba mảnh ruộng rau hành thoi thóp, không biết đã nằm trong dự án nào chưa?) . Mẹ tôi và các bà hàng rau Láng trong phim đều đã về cõi xa. Và cuốn phim của tôi, thời lượng 25 phút, vốn lưu trong cuốn băng Betacam to có đánh số VX - 25 , tại kho Tư liệu Đài HN, chả biết có còn hay đã hỏng mất, hoặc đã được số hóa hay chưa? . Chao ôi là thương nhớ.
*****
Như cổ lệ, dân làng láng Thượng vẫn gọi tên bà theo tên chồng là bà Khánh. Chứ tên cúng cơm của bà xấu xí lắm, ai nghe cũng phải bật cười mà lắc đầu. Nhưng mà người nhà quê xưa vẫn giữ lối đặt tên như thế, cho con cái dễ nuôi. Đến lúc 15, 17, thì gả tống gả tháo về nhà chồng, thế là xong. Cốt là rèn lấy cái nết làm ăn chịu thương, chịu khó. Chứ con gái, con dâu Kẻ Láng, nếu chẳng biết nhấc lưng khỏi giường từ gà gáy canh 2 mà lăn ra chợ, thì chớ kể. Tên họ dẫu có kêu như chuông, cũng vứt. Hàng đem lên phố là miếng sống, là đặc sản của đất quê, phải nâng như như nâng trứng, hứng như hứng hoa, vào đến tận mâm cơm nhà ai, hãy còn tươi roi rói. Thế mới khỏi hổ danh dân Kẻ Láng
Tự xa xưa, người Kẻ Láng tự hào biết mấy về vùng đất quê hương
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về làng Láng với anh thì về
Làng Láng có ruộng tứ bề
Có sông tắm mát có nghề trồng rau
Xưa kia, suốt một vùng đất rộng nằm bên con sông Tô kéo dài từ cửa ô Cầu Giấy đến tận Ngã Tư Sở, đều mang chung tên gọi là Kẻ Láng. Kẻ Láng gồm ba thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ.
Vùng đất này có tuổi đời còn già dặn hơn tuổi ngàn năm của kinh thành Thăng Long. Nơi đây còn lưu giữ những dấu tích lịch sử xa xưa. Trong đó nổi tiếng nhất là chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự, được xây cất từ triều Lý
Những mảnh đất ven chùa từ thưở ấy, tương truyền vẫn là đất trồng rau hành, trước nhất dùng để tiến vua, sau để cho người Kẻ Chợ thưởng thức trong các bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ tết.
Cho đến nay, vào thời điểm những năm cuối thế kỷ 20, những mảnh ruộng ven chùa may mắn vẫn còn lại dưới những vạt rau thay đổi theo bốn mùa mưa nắng
Vải Quang, húng láng, ngổ Đăm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây
Ở làng Láng Thượng hôm nay, nếu như bà Khánh là người làm rau cao tuổi nhất thì bà Lãng, bên hàng xóm là người đứng thứ hai về tuổi tác, còn đang sống chết với nghề. Bà Khánh, bà Lãng cũng như bao người đàn bà Kẻ Láng ngày xưa, vốn lưu giữ trong mình cả một kho tàng kinh nghiệm làm rau, từ khi để giống đến lúc thu hái, cùng với một kho tàng từ vựng đặc sệt chất làng nghề cổ xưa mà giờ đây ta hiếm gặp giữa đời thường.
Những cây rau bé nhỏ, vòng đời ngắn ngủi, một đời người có thể trồng hái gần ngàn lứa rau. Song chúng là những thứ cây khó tính, đòi hỏi kỹ nghệ gieo cấy và chăm sóc công phu kỹ lưỡng.
Đất trồng phải mịn tơi, gọi là “ mùn”, phân bón phải ủ kỹ, gọi là “ hoai” tưới tắm phải thường xuyên, gọi là cho “ ăn màu”. Thế mà lại không thể để cho cây lớn phổng quá nhanh, gọi là cây “ bưỡi”. Vì như vậy, sẽ khiến cho cây chỉ tốt thân tốt lá , gọi là “vống” nhưng lại không đậm hương. Mà hương thơm, đó chính là phẩm chất đặc biệt của cây rau Láng. Người ở đây coi hương thơm đó chẳng phải chỉ do giống má và kỹ nghệ trồng cấy, chăm bón, mà cái chính là do thổ ngơi đất nước làng quê. Có thể như vậy thật. Bởi vì các cụ đã truyền lại rằng, giống thơm Láng hễ cứ đem đi đâu ra khỏi đất làng là biến ngay thành mùi bạc hà, không sao có được hương vị như cây thơm trồng trên đất Láng
Ở Láng, hầu hết các gia đình đều vừa trồng cấy, vừa đi chợ bán buôn, bán lẻ rau hành cho người ở các phố chợ Hà Nội. Ngày trước, hầu hết những người bán rau trong các chợ Hà Nội, gọi là các bà hàng La Ghim đều là người Kẻ Láng, không con gái thì cũng con dâu.
Nhà tôi vốn ở trong khu phố cổ Hà Nội. Mặt trước là phố Nguyễn Hữu Huân, xa xưa có tên gọi là phố Bắc Ninh rồi phố Phan Thanh Giản. Mặt sau là ngõ Phất Lộc. Mẹ tôi, người đàn bà thị dân điển hình trong thế kỷ 20, áo cánh nâu, tóc vấn, răng đen. Ăn cơm, ăn quà, phải nhất định phải món nào rau ấy. Cuốn tôm phải đủ cả hành củ nhánh đơn, rau răm đốt ngắn, thơm Láng cuộng tím, mùi ta lấm tấm lá nhỏ, rễ non. Mỗi ngày bà vẫn giữ nếp đi chợ Hàng Bè hai lần cho 2 bữa sáng chiều. Quen thuộc hết tên gọi những cô bán cá, những bà hàng rau, hàng thịt . Những ngày cuối tuần, bà thường dẫn chị em chúng tôi ra chợ, chỉ dẫn tỉ mỉ cách chọn rau lá, thịt cá, giới thiệu từng bà hàng quen thuộc trong chợ, để khi chúng tôi lớn lên, tự mình đi chợ thì "cứ thế mà mua"
Thời gian biến thiên, bây giờ ở chợ Hàng Bè, một khu chợ cũ giữa lòng phố cổ, nay chỉ còn duy nhất một bà hàng rau Láng. Bà ngồi ở giữa đoạn ngõ chợ, lối đi vào từ mạn phố Cầu Gỗ, giữa đám rổ rá sàng mẹt tre đan cũ kỹ, xuyềnh xoàng, Khách đi chợ Hàng Bè nhớ bà rau Láng giữa hàng chục gánh rau khác, bởi bà có tính hay nói, hay chào mời, nhưng mà lại hay nói nhịu, khiến cho họ lắm lúc phải bật cười. Bao năm sớm khuya vất vả, lại sinh nở hàng chục bận chẳng được kiêng khem đến nơi đến chốn, nên thành ra thế. Hỏi ra thì bà rau Láng chợ Hàng Bè, lại chính là bà em ruột của bà Khánh. Bà chị 75 thì bà em 73. Bà em cũng mang một cái tên chữ khá đẹp, bà Dung, không biết có lại giống như bà chị, được gọi theo tên chồng? Bà Dung ngồi chợ đã gần nửa thế kỷ. Bà có lắm khách quen đáo để, nhiều nhất là các bà khách cũng xấp xỉ tuổi bà. Bấy lâu, người bán đã hầu như thuộc cả lời ăn, tiếng nói, cách chọn hàng, cách thêm lên bớt xuống của người mua. Nhưng khách nhớ nhà hàng chính là bởi rau lá ngày nào lứa nấy, tươi tắn, thơm ngon, thật đúng như câu ca dao của quê nhà
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng , ớt cà
Bí đao, đậu ván vốn nhà trồng nên
Rau Láng nhỏ cây, cứng cát, thân lá hơi sẫm màu, không có cái vẻ phổng phao, tơ tuốt, mỡ màng như rau trồng ở các vùng đất khác, với các thức bón chủ yếu là phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng hiện đại. Những người nội trợ cao tuổi ở Hà Nội rất ít khi lầm lẫn
Đã bao đời nay, hành thơm Láng từng tô điểm cho các món ăn của người Hà Nội thêm hương thêm sắc, làm nổi bật phong vị các món ăn độc đáo khó quên, nhất là vào các dịp lễ tết, cưới xin, giỗ chạp. Người ta đồn rằng, món chả cá Lã Vọng trên phố Chả Cá tức phố Hàng Sơn cũ, sở dĩ quyến rũ được thực khách trong và ngoài nước, chính là bởi nghệ thuật phối chế, kết hợp các loại gia vị tẩm ướp cá khi nướng rán, và không thể thiếu các thức hành thơm, mà phải đích là hành thơm kẻ Láng, phù trợ.
Nếu như bà Dung dọn hàng cố định ở chợ thì bà Khánh không thế. Hàng ngày, bà gánh một gánh rau rong đi bán cho bà con cùng làng. Đấy là chuyện lạ so với ngày trước, cái thời mà nhà nào nhà nấy trên đất Láng đều tự trồng rau ăn rồi bán không hết. Bây giờ, trong hàng chục ngàn nhân khẩu cư ngụ trên đất này, chỉ còn chừng vài ba trăm người còn sinh sống bằng nghề làm rau nữa thôi. Ngay như con cái của bà Khánh hầu như cũng đều theo nghề khác. Chỉ còn mình bà với đôi quang gánh đã đứt một dảnh mà vẫn đèo đẽo trên vai ngày này qua ngày khác. Chợt bâng khuâng nhớ một câu ca cũ của người Kẻ Láng ngày xưa
Anh sắm đôi quang tám giẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên kinh kỳ
Người ta ước đoán rằng, Hà Nội mỗi năm dùng tới hàng chục ngàn tấn rau gia vị. Gần đây, rau Láng chỉ còn có thể đáp ứng được 1/10 nhu cầu thị trường. Còn thì là rau ở các vùng khác như Gia Lâm, Từ Liêm đưa về. Hành thì dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi. Mùi tàu to như lá chuối, mùi ta vống như bó mạ. Do vãi nhiều phân đạm nên tốt um và chỉ phao phảo hương thơm
Vậy mà giờ đây, đất đai trồng rau của vùng Láng ngày càng bị thu hẹp dần. Cơn sốt đô thị hoá cứ hàng ngày gậm nhấm từng thước đất của làng quê. Biết bao biệt thự, nhà hàng công sở liên tiếp mọc lên từng ngày từng tháng. Đành rằng mỗi thước đất trồng rau chẳng thể mỗi lúc hoá ra mấy cây vàng như đất làm nhà hàng khách sạn. Nhưng những cây rau thơm bé bỏng, trong lịch sử ẩm thực của thủ đô đất Việt đã đang và sẽ đem lại những giá trị không thể tính đếm, thậm chí không gì có thể đổi lấy được.
Song dẫu sao, giờ đây, mới chớm bước ra bên lề đô thị náo nhiệt, đứng cạnh tam quan chùa Láng , ta hãy còn may mắn được đắm mình trong những khoảng không gian xanh tươi, êm ả, đầy thi vị của đồng quê thanh bình, ấm áp. Nơi đây, vẫn thấp thoáng bóng dáng những người đàn bà con gái miệt mài theo đuổi nghiệp tổ tiên, bất chấp cuộc sống xung quanh đang đổi thay, chao đảo từng ngày từng tháng. Và chính là nhờ ở họ, cho đến hôm nay, người Hà Nội vẫn còn được hưởng chút hương vị thơm ngon của hành rau Kẻ Láng, vẫn còn một thứ gọi là đặc sản của quê hương để mà tự hào với anh em, bè bạn trong và ngoài nước.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không có thể giữ lại những ô đất hiếm hoi bé bỏng ấy, như giữ lại những gian trưng bầy sống trong viện bảo tàng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội. Đó là bảo tàng về một làng nghề truyền thống đặc biệt của đất kinh kỳ ngàn tuổi, bên cạnh những vườn đào Nhật Tân, vườn quất Quảng Bá, đầm sen Tây Hồ, bên những phố Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lãn Ông...
Cuộc sống làng quê cũng đang dần có chiều dễ chịu hơn. Gia đình Bà Khánh giờ đây cũng đã có bát ăn bát để. Dưới căn nhà gỗ cổ, người thợ trồng rau cao tuổi nhất làng cũng đã có những phút giây nhàn nhã ung dung bên âu trầu, chén nước. Nhưng mà những thời khắc như thế hiếm hoi lắm. Bà Khánh chỉ chịu ở nhà vào những buổi trời đổ mưa dầm, ruộng lầy, đường vắng. Bà tỷ mẩn giở ra xem xét lại mấy bọc giống rau hành để giống cho vụ sau. Với bà, những bông hoa húng giổi, tía tô, canh giới, mỗi thứ giữ một mùi hương riêng, đến chết cũng khó có thể quên.
Lũ cháu nội ngoại thơ bé thơ thẩn quanh hiên nhà nhìn bà sàng sẩy hạt giống như đang xem một trò chơi vừa quen vừa lạ. Có thể mai ngày, khi chúng lớn khôn, trò chơi ấy sẽ tan biến lúc nào không hay....

Vũ Thị Tuyết Nhung

Hà Nội 1998
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, thực vật và ngoài trời
Trong hình ảnh có thể có: cỏ và ngoài trời
Trong hình ảnh có thể có: món ăn
Trong hình ảnh có thể có: hoa và món ăn