CHE SARÀ – BÀI CA CỦA NHỮNG NGƯỜI THA HƯƠNG
Nguời Mỹ rất hay nghe hát quốc ca, mỗi dịp lễ hội nào hay có sự kiện chính trị, thể thao lớn họ đều tranh thủ mời một ngôi sao ca nhạc lên hát, nhất là trước những trận đấu bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, hockey quan trọng. Ít ai biết người được công nhận đã hát quốc ca Mỹ hay nhất: José Feliciano. Năm 1968 vào thời điểm chiến tranh Việt Nam đang leo thang và phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ cũng đang sục sôi thì khi được mời chính thức anh ta đã hát quốc ca theo kiểu latino-jazz rất đặc biệt, cực hay nhưng làm các “nhà ái quốc” người Mỹ điên tiết lắm, họ đòi phải trục xuất ca sỹ trẻ này ra khỏi nước Mỹ, trong khi phe phản chiến tôn vinh anh như một người anh hùng – có lẽ vì thế năm 1969 anh được 2 giải Grammy âm nhạc.
https://www.youtube.com/watch?v=aQkY2UFBUb4
Sau này cứ mỗi kỷ niệm 10 năm tại sân vận động này họ lại mời anh hát quốc ca Mỹ trước trận đấu bóng chày quan trọng. Thế rồi José Feliciano lại có duyên với một bài ca nữa, nó (cùng với “O Sole Mio”) có thể coi là quốc ca không chính thức của nước Ý – “Che sarà”. Bài hát rất buồn này vốn của ca sỹ kiêm nhà soạn nhạc Ý Jimmy Fontana và lời của Franco Migliacci, nhưng bởi Fontana rất muốn để đứa con tinh thần của mình chiến thắng tại cuộc thi bài hát San-Remo năm 1971 nên nhường nó cho ngôi sao đang lên, lại từ Mỹ sang là Jose Feliciano trình diễn. Cũng phải nói thêm là thời đó ở San-Remo người ta thi là thi “bài hát” – mỗi bài được trình diễn bởi 2 ca sỹ hay ban nhạc khác nhau, và chiến thắng không thuộc về ca sỹ mà thuộc về nhà soạn nhạc. “Che sarà” (Điều gì sẽ xảy ra) tuy chỉ chiếm thứ hạng 2 (và Jimmy Fontana giận đời đến mức nhiều năm liền rời bỏ sự nghiệp âm nhạc!) nhưng qua phần trình diễn của ban nhạc trẻ “Ricchi e Poveri” và nhất là của Jose Feliciano lập tức trở nên rất nổi tiếng, hơn nữa nó đã được chuẩn bị để tung ra bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh tấn công vào thị trường băng đĩa Ý, Bắc Âu, Tây Ban Nha và Nam Mỹ… Thành công toàn diện đó nhờ vào bài biểu diễn xuất thần của Jose tại San-Remo, 1971 – xin nhớ rằng 50 năm trước trên thế giới nhạc nhẹ Ý đang có một vị thế khác hẳn so với bây giờ nhé:
José Feliciano:

Ricchi E Poveri (thời đó có 2 nữ ca sĩ):
https://www.youtube.com/watch?v=pwtYtH9vyfI
Bài hát rất, rất buồn này nói về người thanh niên Ý rời thị trấn quê nhà để tìm tương lai cho mình, cũng như biết bao bạn bè khác, bỏ lại phía sau cả vùng quê miền núi buồn tẻ lẫn người yêu đầu đời, sẵn sàng làm bất cứ điều gì tuy vậy cũng chả ai biết cuộc đời sẽ ra sao kể cả chàng ta. Chàng đem theo có độc một cây đàn guitar, và cả đêm anh cùng cây đàn hát bài hát ru khóc cho quê hương. Điều gì phải đến sẽ đến, chỉ biết chắc được một điều thôi, anh chàng sẽ còn quay trở về… Nhưng với lời tiếng Tây Ban Nha (Que Será) tương tự, nó không chỉ trở thành quốc ca thứ hai của nước Ý mà còn trở nên bài ca của những kẻ tị nạn, tha phương cầu thực trên toàn thế giới:
https://www.youtube.com/watch?v=jRhtJtUDAZs
mà nhân vật đầu tiên có thể kể đến chính là… Jose Feliciano! Anh sinh ra 1945 và bị mù bẩm sinh, trong một gia đình Puerto-Rico có tới 11 anh chị em, và đến 5 tuổi theo cha mẹ sang Mỹ, ở khu ổ chuột Harlem (New York). Nếu không có ca nhạc và nước Mỹ nơi mọi ước mơ dẫu có điên rồ đều có quyền trở thành hiện thực thì có lẽ nghèo đói sẽ theo anh và gia đình suốt đời, cậu bé mù ôm cây guitar mỗi ngày 14 tiếng, và đầu tiên khán giả biết đến anh như một thần đồng guitar – anh biểu diễn âm thanh của 5 nhạc cụ khác nhau trên cây đàn của mình (Guitar banjo bass bluegrass drums):
https://www.youtube.com/watch?v=YnT-QGIMrZE
Jose Feliciano và sau anh một chút là Stevie Wonder có lẽ là hai nghệ sỹ mù nổi danh nhất tại Mỹ. Stevie Wonder được người Việt chúng ta biết tới nhiều hơn, nhưng thực ra Jose Feliciano toàn tài hơn, anh nổi tiếng cả trên thị trường Anh ngữ, cả tiếng Tây Ban Nha, và có lẽ chỉ bằng một sáng tác của anh mà chúng ta hay nghe trong dịp Giáng sinh này – Feliz Navidad – anh đã có thể sống sung túc cả đời. Tuy vậy “Che Sarà” gắn chặt với anh, nó trở thành bài hát đi cùng anh qua năm tháng. Anh hát cả bản tiếng Anh (“Shake a Hand”) nhưng có lẽ lời của nó thua xa bản gốc:
https://www.youtube.com/watch?v=srZy9sesjDE
“Shake a hand, shake a hand, shake a hand
Come on, give out more than what they say you can
Put the pieces all together on a rock instead of sand
Help the man complete his plan, shake a hand.”
Rất nhiều ca sĩ sau anh đã đến với bài hát này, có lẽ người Ý vẫn hát hay hơn cả, chả thế mà bài hát được gọi là “quốc ca không chính thức” của đất nước hình chiếc ủng:
Patrizio Buanne:
https://www.youtube.com/watch?v=gpoLv2ncAkQ
Nữ ca sĩ Anna Tatangelo:
https://www.youtube.com/watch?v=ucJ3BvQqeqM
Ban nhạc Ricchi e Poveri dù sau này chỉ còn 3 thành viên cũng không bỏ qua bài hát quốc tế này, họ vẫn hát cho đến tận bây giờ:
https://www.youtube.com/watch?v=fTTsLc_jGZ4
Demis Roussous hát live rất hay bằng tiếng Tây Ban Nha “Que Será”:
https://www.youtube.com/watch?v=LsJUXTs5QDk
Hay nhất là Al Bano, bài hát này vô cùng hợp với giọng của ông, còn nỗi buồn khi hát đơn ca mà không có Romina Power chỉ làm nó hay lên thôi:
https://www.youtube.com/watch?v=mAGFmmettnU
Nhưng theo tôi hát hay nhất vẫn là José Feliciano than khóc cùng cây đàn guitar, hãy để ý xem khán giả họ xúc động đến thế nào khi nghe anh hát:
https://www.youtube.com/watch?v=O-1Iz8RKmZA
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, thế giới không hề trở nên tốt đẹp hơn, mà ngược lại. Vẫn hàng triệu người mỗi ngày phải rời bỏ quê hương để đi tìm cho mình tương lai bất định ở phương trời xa, và điều gì sẽ đến trong cuộc đời họ chỉ có Chúa mới biết được. Nhưng mỗi con người tha hương vẫn có một quê hương để có thể quay về… Cám ơn Jose Feliciano và “Che Sarà”, mỗi người đều có quyền hy vọng ở thành công, dù có mù lòa, dù phải tha phương cầu thực, miễn là có ánh sáng thánh thiện ở trong tim!
GHI CHÚ:
Bài hát này được phổ lời Việt “Đôi bờ” (lời của Lữ Liên) dù rất hay nhưng quả là không truyền tải chút nào tinh thần của bài hát gốc! Ngoài Anh Tú và Lê Cát Trọng Lý thì tôi thích giọng hát lạ này: https://www.youtube.com/watch?v=uV0pjIhMpWo
Lời tiếng Anh có lẽ hay hơn cả sẽ là version sau “London, London”
https://www.youtube.com/watch?v=DM_2EdyytaU

Nam Nguyen

CHE SARÀ Ricchi e Poveri Sheet music | Easy Sheet Music