BIA VĂN MIẾU HÀ NỘI
Bia số 1
1- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU ĐẠI BẢO NĂM THỨ 3 (1442)
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban trọng tước trật. Ơn ban đã nhiều mà vẫn coi là chưa đủ. Lại nêu tên ở Tháp Nhạn 11, ban danh hiệu Long Hổ 12 để ngợi khen. Báo tin mở tiệc, triều đình mừng được người tài, không việc gì không làm hết mức.
Bia số 2
2- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU THÁI HÒA NĂM THỨ 6 (1448)
Mùa thu, ngày 23 tháng 8, Hoàng thượng ngự điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách. Sai Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự Trịnh Khắc Phục làm Đề điệu, Ngự sử trung Thừa Ngự sử đài Hà Lật làm Giám thí, Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Mộng Tuân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Tế tửu Nguyễn Tử Tấn1 làm Độc quyển. Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, chọn bọn Nguyễn Nghiêu Tư trở xuống, ban cho đỗ Tiến sĩ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc đều tuân theo lệ cũ. Duy có việc dựng đá đề danh thì lúc đó chưa kịp tiến hành.
Bia số 3
3- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 4 (1463)
Khí chân nguyên hội hợp rồi sau hiền tài trong thiên hạ mới nảy sinh. Bậc chân chúa lên ngôi tất hiền tài đắc dụng. Cử Nguyên Khải3 hỏi quan nhạc mục 4, đó là cách dùng người hiền ở đời Nghiêu Thuấn. Trọng người tài năng, thăng dùng bậc tuấn kiệt, đó là lối dùng người ở đời Thành Chu, cho nên phong tục tốt lành, nước nhà yên ổn. Xem thế đủ thấy phép trị nước ắt phải lấy việc cử người hiền dùng người tài làm căn bản vậy.
Bia số 4
4- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 7 (1466)
Thái Tông Văn hoàng đế sáng suốt kế thừa tiên đế, chấn chỉnh Nho phong, khuyến khích hiền tài cả nước, kẻ sĩ họp lại như mây, lại xem xét điển chế của tiên vương để đổi mới khoa mục. Bắt đầu từ năm Nhâm Tuất mở khoa thi, hiền tài lọt vào vòng trọng dụng, cổ động chí khí anh hào trong bốn bể, mở mang vận hội văn chương thịnh đạt muôn vạn năm, há chẳng phải gọi là mở đường giúp người sau, không để có chỗ thiếu sót đó chăng?
Bia số 5
5- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 6 (1475)
Khi dâng đọc quyển thi, Hoàng thượng ban cho bọn Vũ Tuấn Chiêu đỗ Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ơn vinh trên dưới đều tuân theo thể thức. Duy việc dựng bia quan Hữu ty chưa kịp cử hành. Nay Bộ Lễ vâng mệnh, sắp xếp họ tên theo thứ tự mà truy khắc bia. Lại ban sắc bảo thần là (Lê) Ngạn Tuấn soạn bài ký. Thần kính vâng tuân mệnh sáng, bất giác mồ hôi ướt đầm, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Bia số 6
6- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU TUẤT NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 9 (1478)
Kính nghĩ: Khí vận quốc gia quan hệ bởi nhân tài, nhân tài cao thấp cốt do nơi khoa mục. Thái Tổ Cao hoàng đế ngay từ khi sáng lập ra triều ta đã dùng kinh nghĩa luận sách để thi học trò, khoa mục khởi thủy từ đấy. Thái Tông Văn hoàng đế nối chí kế nghiệp, mở mang kỷ cương, trong niên hiệu Đại Bảo mở khoa thi, nhân tài nối nhau xuất hiện, từ đó khoa mục đại chấn hưng. Nhân Tông hoàng đế nối theo phép cũ, không dám sơ suất.
Bia số 7
7- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN SỬU NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 12 (1481)
Ngày thi Đình, quan Hữu ti và các viên chấp sự mỗi người một việc. Vua ngự ở chính điện, đích thân ra đề văn sách. Sáng hôm sau, Hoàng thượng xem quyển chọn bài, lấy Phạm Đôn Lễ đỗ đầu, Lưu Hưng Hiếu thứ hai, Nguyễn Doãn Địch thứ ba, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ; những người còn lại ban cho các hạng Tiến sĩ xuất thân và đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Thứ lớp ban ơn y theo điển cũ. Những người được chọn vào viện Hàn lâm thì đặc cách cho thêm một cấp. Hoàng thượng đích thân sắc dụ sai quan Bộ Công dựng đá đề tên ở Quốc tử giám, sai bề tôi là Trọng Ý soạn bài ký.
Bia số 8
8- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 18 (1487)
Thần trộm nghĩ: Nhân tài phồn thịnh vẫn quan hệ ở khí chất biến hóa của trời đất, nhưng chủ yếu vẫn do ở nền giáo hóa của bậc thánh nhân. Bởi vì khí chất trời đất biến hóa thì nguyên khí hội hợp rồi lan toả bàng bạc khắp nơi, cho nên mới có số nhiều đông đảo. Phải nhờ có giáo hóa của thánh nhân thì văn đức mới được tôi luyện hun đúc, tạo nên cảnh tốt đẹp đượm đà. Khổng Tử nói: "Khoảng đời Đường Ngu là thời thịnh”, đó là do khí chân nguyên hội hợp mà nên chăng? Kinh Thi nói: "Người xưa không biết chán, kẻ tài tuấn giỏi giang"2, đó là sự hun đúc văn đức chăng?
Bia số 9
9- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÌN NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 27 (1496)
Sáng hôm sau [...] bọn Đào Thuấn Cử dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ngày Canh Tý 22 tháng ấy quan hữu ti dẫn những người trúng cách vào sân điện Kim Quang, Hoàng đế đích thân xem dung mạo xét định, chọn lấy 30 người. Đến ngày Ất Tị 27, vua ngự tại điện chính để làm lễ xướng danh. Ban cho bọn Nghiêm Viện trở xuống các hạng Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ban cấp ân vinh y theo điển cũ. Lại sai Bộ Công khắc đá, sai Lưu Hưng Hiếu làm bài ký ghi lại sự việc.
Bia số 10
10- VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG NĂM THỨ 5 (1502)
Tư thiên giám chọn ngày tốt, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Mấy năm trước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa, năm nay sai Bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ngoài cửa nhà Thái học, cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ. Ân vinh ban theo thứ bậc, thảy đều theo lệ cũ. Quan Bộ Công theo lệ khắc đá đề danh để truyền tới lâu dài. Sai từ thần soạn bài ký. Thần là Đàm Văn Lễ kém cỏi, giữ trách nhiệm soạn thuật, không dám lấy cớ quê mùa chối từ.
Theo Đna Thích